Thói quen sai lầm khi dùng giấy vệ sinh
29/01/2016 11:29
Giấy cao cấp cũng chứa chất huỳnh quang
Gia đình chị Nguyễn Thanh Thúy (Lạc Long Quân, Hà Nội) có thói quen rất ít mua giấy ăn, thay vào đó cả nhà dùng giấy cuộn để vệ sinh. Theo đó, các hoạt động của mọi người như đi toilet, lau tay, lau đồ dùng như bát đĩa trước khi ăn, thậm chí lau mặt đều được sử dụng giấy cuộn dạng này. Rất nhiều lần con chị có ý kiến không sử dụng theo cách trên bởi khi lau giấy bị dính mủn bẩn trên mặt, tay hay bát... Tuy nhiên, thói quen đó của cả gia đình vẫn không ai bỏ được. Điều đáng nói, thói quen nêu trên diễn ra khắp nơi, từ hộ gia đình, quán ăn đến cơ quan, công sở...
KH&ĐS đã có một thử nghiệm nhỏ tại Công ty TNHH một thành viên Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo với 10 mẫu giấy vệ sinh cao cấp (dạng cuộn), là các hãng có thương hiệu, đơn vị sản xuất rõ ràng hay giấy nhập khẩu như Emos, An An, Bless you... Kết quả cho thấy, có 9 mẫu giấy hoàn toàn không có chất huỳnh quang, một mẫu có biểu thị chất này khi soi dưới ánh đèn tia cực tím. Ngoài ra, đối với các mẫu giấy được sản xuất thủ công với các cảm quan như sờ có cảm giác mỏng, xốp bở và xoa nhẹ thấy mủn thì hầu hết đều hiển thị màu xanh của chất huỳnh quang khi soi qua máy chiếu.
Theo KS Lương Thị Hồng, Trưởng phòng Phân tích và Kiểm định chất lượng, Công ty TNHH một thành viên Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo, chất tăng trắng có thể có trong giấy được cho là cao cấp do nhiều yếu tố, ví dụ như để làm tăng độ trắng của giấy nguyên thủy nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng... Còn đối với giấy tái chế có chất tăng trắng là điều dễ hiểu, bởi đây vốn là giấy văn phòng, giấy photocopy... đã qua sử dụng nay sản xuất lại.
Đồng quan điểm, TS Cao Văn Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo cũng cho rằng, giấy vệ sinh và giấy ăn là hai cấp độ về chất lượng khác nhau. Giấy ăn được quy định sản xuất từ 100% giấy nguyên thủy, trong khi đó, giấy vệ sinh có thể có giấy nguyên thủy nhưng không nhiều. Thay vào đó, họ sử dụng giấy tái chế. Tuy nhiên, mức giấy tái chế cũng chia nhiều bậc khác nhau, tái chế tốt, trung bình hay tái chế dạng gia công. Thông thường tùy vào các cấp bậc khác nhau sẽ có giá khác nhau, thậm chí thấy rõ.
Theo đó, vị chuyên gia này cho hay, các hãng sản xuất giấy vệ sinh kể cả có thương hiệu cũng sử dụng giấy tái chế. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất của họ tốt, đảm bảo các quy trình xử lý nên giấy vệ sinh khi xuất xưởng có thể đảm bảo chất lượng tốt. Ví dụ, dây chuyền có khâu xử lý bụi giấy, làm sạch vi sinh...
Sử dụng vẫn phụ thuộc vào... người tiêu dùng
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng hiện nay chủ yếu phân biệt giấy ăn và giấy vệ sinh thông qua các kiểu dáng hay tên sản phẩm, chứ chưa chú ý cụ thể về các chỉ tiêu chất lượng. Ví dụ, giấy ăn được cắt theo các kiểu dạng khác nhau như hình vuông, chữ nhật, còn giấy vệ sinh chủ yếu là dạng tròn, có hoặc không lõi.
Bàn về tiêu chuẩn, KS Lương Thị Hồng cho rằng, hiện nay mới có tiêu chuẩn giấy ăn và giấy vệ sinh, trong đó điểm khác nhau chủ yếu ở tính chất độ bền kéo, khả năng thấm hút và định lượng. Các chỉ tiêu này được đánh giá thông qua các phép đo bằng lực và chỉ số. Tuy nhiên, vì là tiêu chuẩn nên chỉ mới dừng lại ở mức khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất làm theo, chứ chưa phải ép buộc như ở quy chuẩn hay hợp chuẩn hợp quy. Vì thế, việc các đơn vị sản xuất giấy với chất lượng mỗi loại như thế nào, có đảm bảo tiêu chuẩn hay không vẫn là bài toán khó biết đối với người sử dụng.
Các chuyên gia đều nhận định, với mỗi loại giấy nhà sản xuất đều đưa ra mục đích riêng nên việc sử dụng phụ thuộc vào người tiêu dùng. Nhiều người sử dụng giấy ăn cho vệ sinh hay ngược lại dùng giấy vệ sinh dạng cuộn để lau mặt, tay... là do ý thức từng người. Tất nhiên, khi dùng giấy kém chất lượng cho việc vệ sinh sẽ có thể gặp một số hạn chế hoặc tác động đến sức khoẻ. Ví như dùng giấy vệ sinh lau miệng có thể bị dính mủn giấy, bị ảnh hưởng hóa chất tẩy trắng và tăng trắng...